Bạn đã bao giờ cảm thấy phiền phức khi ngày nào cũng phải dọn những “chiến lợi phẩm” của cún khắp nhà? Bạn đã từng muốn cún không còn đi vệ sinh bừa bãi trong nhà nhưng chưa biết làm thế nào? Bài viết tóm tắt dưới đây của chúng tôi sẽ giúp các bạn huấn luyện cún đi vệ sinh đúng chỗ 1 cách nhanh và hiệu quả nhất. Hãy theo dõi để có một không gian sống sạch sẽ và rèn luyện sự ngoan ngoãn, nghe lời cho cún nhà bạn nhé!
Bước 1: Xác định chỗ bạn muốn cún đi vệ sinh
Chỗ đó có thể là trong nhà vệ sinh của gia đình bạn hay 1 góc sân, góc ban công, sân thượng.
Bước 2: Lập thời gian biểu cho các bữa ăn
Mục đích của việc này là biết được lúc nào cún cần đi giải quyết vì đa phần cún thường đi vệ sinh sau khi ăn. Đa phần cún to thường ăn 2 lần/ngày vào lúc 12h trưa và 7h tối. Cún nhỏ thường ăn 3 lần/ ngày vào 7h sáng, 12h trưa và 7h tối. Thông thường 1 bữa ăn của cún chỉ nên diễn ra trong vòng 20 phút. Sau 20 phút hãy cất hết đồ ăn, nước uống để kiểm soát được lượng thức ăn thu nhận cũng như để cún hiểu rằng nó chỉ được ăn trong khoảng thời gian đó.
Bước 3: Nghiên cứu thói quen và quy luật đi vệ sinh của cún
Nắm được thói quen cũng như quy luật đi vệ sinh của cún là cơ sở để thiết lập thời gian biểu huấn luyện cho thích hợp. Cách đơn giản nhất để bạn biết được thói quen đi vệ sinh của cún là theo dõi và ghi chép lại trong khoảng 2-4 ngày. Khi ghi chép nhớ tách riêng thời gian cún đi nặng và đi nhẹ.
Bước 4: Các chuẩn bị cần thiết cho việc huấn luyện
Lồng nhốt cún:
Chuẩn bị một chiếc lồng phù hợp sẽ giúp việc huấn luyện cún nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều. Vì đa phần cún sẽ không đi bậy trong chuồng nó ở và ngoài ra, chuồng còn là công cụ để cún chịu hình phạt khi không nghe lời
Các bạn đừng lo cún sẽ nằm đè lên phân và nước tiểu vì trừ khi con nào bí quá không kiềm chế được nữa mới tiểu và ị ra chuồng, còn đa phần cún sẽ không tiểu hay ị rồi nằm lên. Vì lồng chật chỉ đủ nằm, không đi vệ sinh được nên cún sẽ nhịn và khi không nhịn được sẽ kêu ầm lên, lúc đó bạn biết cún đã muốn đi vệ sinh.
Thời gian biểu huấn luyện:
Tùy thuộc vào thời gian biểu của các bữa ăn, thói quen đi vệ sinh của cún cũng như thời gian rảnh của mỗi người chủ mà các bạn có thể lập thời gian biểu huấn luyện cho cún 1 cách phù hợp nhất.
Bước 5: Huấn luyện
Việc bắt cún thay đổi 1 thói quen không phải là việc có thể cho kết quả nhanh chóng được. Bởi vậy để thành công, bạn cần rất kiên trì, yêu thương và độ lượng với cún như đối với trẻ con.
Chọn khẩu lệnh:
Tức là khi muốn cún đi vệ sinh, bạn có thể nói “Milu, đái” hay “Bắt đầu”…không quan trọng là bạn nói từ gì mà quan trọng là bạn phải nhất quán. Đã nói từ gì thì chỉ được nói từ đó khi đưa cún ra đúng chỗ đi vệ sinh.
Những ngày đầu cún có thể không hiểu bạn nói gì nhưng sau 1 thời gian làm quen, thậm chí bạn chỉ cần hô đúng khẩu lệnh đó là cún sẽ làm đúng hành động như bạn muốn mà không cần bạn phải dắt cún đi.
Khen thưởng:
Khi cún đi vệ sinh đúng chỗ, bạn hãy khen thưởng cún bằng lời nói, hành động (ôm ấp, xoa đầu…), hay thức ăn…Nên nhớ việc khen thưởng chỉ nên diễn ra trong vòng 5 giây sau khi cún đi vệ sinh xong vì nếu lâu hơn, cún sẽ không hiểu bạn đang khen thưởng cho việc gì.
Làm gì khi cún đi vệ sinh sai chỗ:
Khi cún đi sai chỗ và bạn chứng kiến thấy, hãy làm 1 hành động để cún ngưng việc đó lại nhưng không được làm cún quá giật mình và hoảng hốt. Ví dụ như bạn có thể vỗ tay hay nói “không được”…Sau đó bạn dọn sạch chỗ đó để cún không ngửi thấy mùi và nghĩ đó là chỗ đi vệ sinh nữa.
Bạn tuyệt đối không nên phạt hay làm cún giật mình, sợ hãi vì cún sẽ không hiểu nó đang làm sai chuyện gì mà nó sẽ nghĩ việc đi vệ sinh là 1 việc xấu và nó sẽ có xu hướng trốn kỹ hơn khi đi để không bị bạn phát hiện cho đến khi “sản phẩm” bốc mùi.
Nếu cún vẫn đi vệ sinh sai chỗ, bạn có thể nhốt cún trong chuồng khoảng 10’, sau đó mới dẫn đi vệ sinh, tới chừng nào đi thì thôi. Sau khi nó đi vệ sinh rồi mới cho nó chơi còn không thì phải ở trong chuồng.
Hy vọng với phương pháp 5 bước như trên, việc đi vệ sinh của cún sẽ không còn là vấn đề đối với bạn nữa. Chúc các bạn thành công!
Discussion about this post